Dầu Tiếng là một huyện phía bắc của tỉnh Bình Dương, cách trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 50 km. Phía bắc giáp huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước), Phía Đông và Đông Nam giáp thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương), phía Tây Bắc và Tây Nam giáp huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), phía Nam giáp huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh).Diện tích tự nhiên 721,95 km2 và dân số trên 123.879 người (năm 2018); mật độ dân số thưa hơn các huyện khác trong tỉnh: 171 người/km2, trong đó người dân sống tại đô thị chiếm 20,6% và sống ở vùng nông thôn chiếm 79,4%. Đơn vị hành chính: 11 xã, 01 thị trấn với 89 ấp, khu phố. Huyện lỵ là thị trấn Dầu Tiếng tọa lạc ở vị trí 11020’ kinh độ đông và 106020’ vĩ độ bắc.
Theo một số thư tịch ở miền Nam (trước năm 1975) thì tên gọi “Dầu Tiếng” đã có từ trước khi thực dân Pháp đặt chân tới vùng đất này. Từ thế kỷ XVII, XVIII, nơi đây còn là rừng nguyên sinh trải dài trên vùng đất xám do hai con sông Sài Gòn ở phía tây và sông Thị Tính ở phía đông bồi đắp tạo thành hình chữ V ôm lấy vùng đất Dầu Tiếng từ ba mặt. Bên bờ sông Sài Gòn, khu vực Cầu Tàu bây giờ, thuở ấy có một cây cầu dầu lớn (ba, bốn người ôm không xuể) đổ xuống, thân nằm vắt ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên. Cây dầu với độ lớn và vị trí của nó đã thành danh do người dân sinh sống nơi đây và những người qua lại làm ăn gọi mãi thành quen. Từ đó, nhân dân lấy tên cây “dầu” có “tiếng” này để gọi tên vùng đất huyện “Dầu Tiếng” ngày nay.
Đất đai huyện Dầu Tiếng chủ yếu là đất xám nâu và đất xám phù hợp trồng các loại cây công nghiệp như cao su, điều và cây công nghiệp ngắn ngày. Địa hình gò đồi nhấp nhô, lượn thoải dần về phía Nam. Phía Bắc có dãy Núi Cậu, tổ hợp của 02 ngọn Núi Ông và Tha La. Nằm trong khu vực nhiệt đới vùng Đông Nam Bộ, Dầu Tiếng có chung đặc điểm là nắng nóng và mưa nhiều. Tuy nhiên, khí hậu ở đây tương đối ôn hòa, ít thiên tai, bão lụt.
Sông ngòi ở Dầu Tiếng có 02 con sông (Sài Gòn và Thị Tính). Sông Sài Gòn chảy qua Dầu Tiếng ở phía Tây và Tây Nam với khoảng chiều dài 50km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Dầu Tiếng với Tây Ninh, giữa Dầu Tiếng với Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó đổ vào sông Đồng Nai ở Tân Thuận Đông. (Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Sài Gòn trở thành “sông gạo và máu” của cán bộ, chiến sĩ ta. Nơi ghi dấu biết bao chiến công cùng sự hy sinh anh dũng của bộ đội và nhân dân trong vận chuyển lương thực-vũ khí cho cho kháng chiến). Sông Thị Tính nằm ở phía Đông huyện Dầu Tiếng, bắt nguồn từ Căm Xe chảy qua Bến Cát rồi đổ vào sông Sài Gòn ở Cầu Ông Cộ. Hai dòng sông trên cung cấp nguồn nước, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở một số xã và điều tiết khí hậu cho địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục con suối cùng với một số hồ nước khá lớn như: hồ Cần Nôm, hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Nước ta và Đông Nam Á, với diện tích mặt nước 2.560 ha, dung tích chứa trên 1,5 tỷ m³ nước; hồ đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mang lợi nhiều lợi ích phát triển kinh tế không chỉ cho huyện Dầu Tiếng mà còn nhiều địa phương khác (tỉnh Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An).
|